Khi tiến hành dự án công trình hoặc dự án kinh doanh, chủ dự án thường kêu gọi vốn đầu tư. Vốn đầu tư là nguồn vốn dùng để chi trả chi phí hoạt động của dự án đó. Hiện nay, nhiều người vẫn nhầm lẫn vốn đầu tư với vốn điều lệ của một doanh nghiệp. Để phân biệt được vốn đầu tư và vốn điều lệ, hãy cùng ADZ tìm hiểu chi tiết về vốn đầu tư qua bài viết dưới đây nhé!
Vốn đầu tư là gì?
Đầu tư vốn là họat động sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi bỏ vào một dự án, mục tiêu kinh doanh nào đó. Theo thời gian, nhà đầu tư hi vọng nguồn tiền đó sẽ mang lại lợi nhuận trong tương lai.
Vốn đầu tư là nguồn tài sản tích lũy của xã hội, của các đơn vị sản xuất kinh doanh, nguồn tiền tiết kiệm của dân… được dùng để tái sản xuất xã hội, tạo ra các tiềm lực mới thông qua dự án đầu tư. Nhà đầu tư dùng nguồn vốn đầu tư để chi trả toàn bộ chi phí để thực hiện hoạt động đầu tư, phát triển dự án. Nguồn vốn đầu tư còn được dùng để đổi mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật cho doanh nghiệp, phục vụ mục đích mở rộng kinh doanh.
Một doanh nghiệp có thể đầu tư nhiều dự án đầu tư khác nhau phụ thuộc vào nguồn lực tài chính của doanh nghiệp. Nhà đầu tư sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi tiến hành đầu tư kinh doanh.
Vốn đầu tư có những đặc điểm gì?
- Vốn đầu tư là yếu tố quan trọng tạo nên tăng trưởng, sinh lời cho dự án, doanh nghiệp. Để bắt đầu quá trình sản xuất mới hoặc tái mở rộng sản xuất thì doanh nghiệp cần có vốn đầu tư. Doanh nghiệp sẽ chuyển hóa vốn đầu tư thành vốn kinh doanh để tiến hành thực hiện quá trình và tạo ra tăng trưởng, sinh lời. Do đó, vốn đầu tư rất quan trọng để phát triển kinh tế và kích thích nhà đầu tư bỏ vốn nhằm sinh lời.
- Một dự án thường yêu cầu một khoản vốn đầu tư lớn để tạo ra điều kiện vật chất kỹ thuật cần thiết. Với mục tiêu tăng trưởng và phát triển, doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, chế tạo máy, nâng cao năng suất,….
- Doanh nghiệp cần có kế hoạch nguồn vốn đầu tư cụ thể để sử dụng nguồn vốn hợp lí nhất. Sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài với khối lượng lớn mà kém hiệu quả thì sẽ khiến doanh nghiệp gánh nợ nước ngoài chồng chất.
- Vốn đầu tư của một dự án là toàn bộ số vốn dự kiến để chi trả toàn bộ quá trình đầu tư nhằm đạt được mục tiêu ban đầu. Doanh nghiệp cần tính đến nhiều yếu tố như lạm phát, trượt giá,…
- Vốn đầu tư bao gồm hai thành phần chính là vốn cố định và vốn lưu động. Vốn cố định dùng để mua sắm thiết bị, xây dựng công trình để hình thành tài sản cố định. Vốn lưu động dùng để khai thác sử dụng tài sản cố định của dự án đầu tư trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong tương lai.
Vốn đầu tư được hình thành từ những nguồn nào?
Nguồn vốn đầu tư được hình thành từ hai nguồn chính là vốn nước ngoài và vốn trong nước.
Vốn trong nước
Thông thường, chủ đầu tư sẽ huy động vốn đầu tư từ nguồn vốn trong nước trước tiên. Tỷ lệ giữa vốn huy động trong nước và vốn nước ngoài tùy thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước. Nguồn vốn trong nước đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế liên tục, không bị ảnh hưởng nhiều bởi vốn nước ngoài.
Nguồn vốn trong nước gồm:
- Ngân sách nhà nước: được hình thành từ vốn tích lũy của nền kinh tế, thu từ thuế và các hoạt động khác. Nguồn vốn này được Nhà nước duy trì để cấp cho đơn vị thực hiện dự án công trình thuộc kế hoạch Nhà nước hoặc hỗ trợ kinh tế,…
- Vốn của doanh nghiệp quốc doanh: được hình thành từ lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp. Nguồn vốn có vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, phát triển của doanh nghiệp.
- Vốn của tư nhân, hộ gia đình: được hình thành từ nguồn tiền nhàn rỗi của người dân. Nguồn vốn này được coi như nguồn vốn dự trữ, có thể huy động, đầu tư cho các dự án. Nguồn vốn này thường được tích trữ dưới dạng vàng, USD hoặc bất động sản…
Vốn nước ngoài
Xu thế hội nhập toàn cầu là cơ hội giúp các doanh nghiệp thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài hơn. Thông thường, nguồn vốn đầu tư trong nước có hạn nhưng nguồn vốn đầu tư nước ngoài gần như vô hạn. Hiện nay, vốn đầu tư nước ngoài có nhiều hình thức khác nhau như:
- Vốn đầu tư gián tiếp: đây là vốn của các chính phủ, tổ chức quốc tế như viện trợ không hoàn lại, cho vay lãi suất thấp,… Vốn đầu tư gián tiếp thường lớn nên có thể giải quyết nhanh và dứt điểm các nhu cầu phát triển của các nước nhận đầu tư.
- Vốn đầu tư trực tiếp: được hình thành từ vốn của các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài và trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia quản lí quá trình sử dụng nguồn vốn. Thông thường, nguồn vốn này không đủ lớn để giải quyết nhanh chóng, dứt điểm các vấn đề kinh tế xã hội của các nước nhận đầu tư. Doanh nghiệp cũng có thể huy động nguồn vốn này từ nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp ở nước ngoài để thực hiện bắt đầu quá trình kinh doanh hoặc mở rộng sản xuất.