Cổ đông là gì? Quyền hạn của từng loại cổ đông?
Ngày nay, theo xu hướng hội nhập toàn cầu, loại hình công ty cổ phần càng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhờ vậy, các công ty thu hút được lượng lớn tiền đầu tư từ các cổ đông trên nhiều quốc gia, góp phần phát triển đất nước.
Tuy nhiên, trước khi thành lập công ty cổ phần, chủ doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ về cổ đông và quyền hạn của từng loại cổ đông. Điều này giúp chủ doanh nghiệp có thể tránh được nhiều rủi ro pháp lý sau này nếu hiểu rõ.
Khái niệm cổ đông
Khái niệm cổ đông thường gắn liền với loại hình công ty cổ phần. Công ty cổ phần là doanh nghiệp có vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau (gọi là cổ phần).
Cổ đông chính là cá nhân, tổ chức sở hữu cổ phần của doanh nghiệp và chịu trách nhiệm về khoản nợ và nghĩa vụ tài sản trong phạm vi vốn góp. Số lượng cổ đông trong doanh nghiệp phải trên 3 người và không giới hạn số lượng.
Cổ đông hoàn toàn có quyền chuyển nhượng cổ phần cho người khác, phát hành cổ phần để huy động vốn. Thực chất, cổ đông là thực thể đồng sở hữu doanh nghiệp chứ không phải chủ nợ ( người sở hữu trái phiếu) nên quyền lợi và nghĩa vụ gắn liền với kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
Cổ đông được chia thành 3 loại và có những lợi ích, nghĩa vụ khác nhau:
- Cổ đông sáng lập
- Cổ đông ưu đãi
- Cổ đông phổ thông
Quyền hạn của cổ đông sáng lập
Theo Luật doanh nghiệp 2014, cổ đông sáng lập là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập doanh nghiệp. Đồng thời, tên cổ đông sáng lập được kê khai trong Danh sách cổ đông sáng lập và nộp cho Phòng Đăng ký kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Như vậy, điều kiện của một cổ đông sáng lập là:
- sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông.
- ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập (danh sách được nộp cho phòng đăng ký kinh doanh tại thời điểm thành lập doanh nghiệp)
Cổ đông sáng lập có quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Kể từ ngày doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập 3 năm.
Sau 3 năm, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển thành cổ phần phổ thông. Cổ đông sáng lập có quyền biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông với số phiếu biểu quyết cao.
Tuy nhiên, cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cho người khác. Trong thời hạn 3 năm, cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cổ phiếu cho cổ đông sáng lập khác. Nếu muốn chuyển nhượng cho người không phải cổ đông sáng lập, cổ đông sáng lập cần sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
Quyền hạn của cổ đông ưu đãi
Cổ đông ưu đãi là cá nhân, tổ chức sở hữu cổ phần có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông. Khi thành lập doanh nghiệp, Điều lệ công ty quy định số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi.
Cổ đông ưu đãi có những quyền hạn sau:
- Có quyền biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông với số phiếu biểu quyết
- Ngoài ra, cổ đông ưu đãi cũng hưởng các quyền hạn khác của cổ đông phổ thông. Tuy nhiên, cổ đông ưu đãi không có quyền chuyển nhượng cổ phần biểu quyết cho người khác.
Quyền hạn của cổ đông phổ đông
Cổ đông phổ thông là những cổ đông còn lại sở hữu cổ phiếu phổ thông, không có nhiều quyền hành với hoạt động doanh nghiệp, không phải người đồng thành lập doanh nghiệp. Điều đó đồng nghĩa là họ không phải chịu nhiều tổn thất khi xảy ra sự cố, thua lỗ…
Quyền hạn của cổ đông phổ thông:
- Tham dự và phát biểu trong các Đại hội cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp (mỗi cổ phần phổ thông =một phiếu biểu quyết).
- Được nhận cổ tức với mức dựa trên quyết định của Đại hội đồng.
- Được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán; tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông.
- Có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông khác và người ngoài.
- Xem xét, tra cứu và trích lục, yêu cầu sửa đổi các thông tin trong Danh sách cổ đông có quyền biểu quyết.
- Xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty; biên bản họp, nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông
- Được nhận một phần tài sản tương ứng với số vốn khi công ty giải thể hoặc phá sản