Thương hiệu và nhãn hiệu là hai khái niệm được sử dụng nhiều trong đời sống, kinh doanh và tiếp thị. Tuy nhiên, do hai khái niệm này có vài nét tương đồng nên nhiều người thường nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Dưới đây, ADZ chỉ ra những điểm khác nhau giữa nhãn hiệu và thương hiệu giúp bạn dễ dàng phân biệt được chúng.
Về khái niệm
Khái niệm nhãn hiệu xuất hiện trước xuất hiện thương hiệu. Nhãn hiệu là những dấu hiệu có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc kết hợp các yếu tố đó, dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu cũng có thể có một hoặc nhiều màu sắc khác nhau kết hợp. Sau khi đăng ký nhãn hiệu, nhãn hiệu được coi là một loại tài sản vô hình của cá nhân, tổ chức và là một trong các đối tượng sở hữu được pháp luật bảo hộ.
Theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), thương hiệu là một dấu hiệu đặc biệt (có thể hữu hình hoặc vô hình) để giúp nhận biết sản phẩm, dịch vụ nào đó được cung cấp bởi một cá nhân, tổ chức. Thương hiệu có vai trò quan trọng hơn nhãn hiệu, gắn liền với quyền sở hữu của tổ chức và được uỷ quyền cho người đại diện thương mại chính thức.
Về pháp lý
Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, hiện nay chưa có định nghĩa cụ thể về thương hiệu mà chỉ đưa ra định nghĩa về nhãn hiệu. Khái niệm “thương hiệu” được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh, tiếp thị. Vì vậy, chỉ có nhãn hiệu mới là đối tượng được pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
Một doanh nghiệp cạnh tranh chỉ có thể “nhái” được nhãn hiệu chứ không nhái được thương hiệu. Vì vậy, sau khi đăng ký nhãn hiệu, nhãn hiệu của doanh nghiệp bạn sẽ được Nhà nước công nhận và bảo hộ. Thương hiệu là kết quả phấn đấu lâu dài của doanh nghiệp được người tiêu dùng công nhận.
Về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ
Khi nhắc đến thương hiệu, người tiêu dùng có thể liên tưởng ngay đến hình ảnh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của công ty. Ví dụ như nhắc đến thương hiệu Iphone, người tiêu dùng có thể nhớ đến hình ảnh Iphone X, Iphone XI… Thông thường, thương hiệu sẽ gắn liền với sản phẩm của công ty, thông điệp công ty muốn truyền tải, hình ảnh của công ty…
Mặt khác, nhãn hiệu thường không gắn liền với hình ảnh của sản phẩm, dịch vụ. Nhãn hiệu chỉ là từ ngữ, hình ảnh tượng trưng, biểu tượng…giúp khách hàng phân biệt hàng hóa của doanh nghiệp so với doanh nghiệp khác. Khi nhắc đến nhãn hiệu, người tiêu dùng sẽ không liên tưởng đến sản phẩm của doanh nghiệp.
Về thời gian tồn tại
Thương hiệu có thời gian tồn tại lâu hơn so với nhãn hiệu. Nhãn hiệu có thể được tạo ra trong thời gian ngắn, không tốn nhiều công sức. Nhãn hiệu có thể thay đổi tùy theo nhiều yếu tố tác động như thị hiếu người tiêu dùng. Trái lại, để xây dựng một thương hiệu thành công, doanh nghiệp cần có một chiến lược xây dựng nhận diện thương hiệu cụ thể, huy động nhiều yếu tố như logo, thông điệp, hình ảnh công ty….
Thương hiệu sẽ tồn tại mãi mãi theo thời gian. Nhiều thương hiệu mạnh có thể tồn tại vĩnh viễn kể cả khi doanh nghiệp đó đã ngừng hoạt động rất lâu. Do đó, hiện nay, nhiều doanh nghiệp thường hướng đến chú trọng xây dựng thương hiệu hơn quan tâm nhãn hiệu. Nhãn hiệu chỉ có giá trị pháp lí trong thời gian nhất định. Thời gian nhãn hiệu được bảo hộ cũng chỉ trong vòng 10 năm và chủ doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục bảo hộ nhãn hiệu để kéo dài thời gian bảo hộ.