Hoạt động sản xuất, trao đổi, mua bán hàng hóa, dịch vụ xuất hiện từ rất lâu. Khi cơ sở sản xuất chỉ rõ sản phẩm của mình, họ dùng tem mác, ký hiệu để phân biệt. Đó là lúc khái niệm “nhãn hiệu” ra đời.
Tuy nhiên, nhiều người chưa thực sự hiểu về nhãn hiệu và thường nhầm lẫn nhãn hiệu với thương hiệu. Vậy nhãn hiệu là gì?
Khái niệm nhãn hiệu là gì?
Theo Luật sở hữu trí tuệ 2005, nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các chủ thể khác nhau. Nó gắn liền với quá trình sản xuất, mua bán hàng hóa và dịch vụ,…. Thế nhưng, nhiều chủ doanh nghiệp không nhận thức được giá trị của nhãn hiệu đối với doanh nghiệp. Vì vậy, họ cũng thờ ơ với việc đăng ký bảo hộ cho loại tài sản trí tuệ này.
Nhiều người cho rằng nhãn hiệu là thương hiệu, hoặc nhãn hiệu là logo nhưng đều không chính xác. Một công ty có thể sử dụng logo để làm nhãn hiệu nhưng họ cũng có thể sử dụng dấu hiệu khác.
Chức năng chính của nhãn hiệu là dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các chủ thể. Trên sản phẩm công ty đó, người ta cần đến dấu hiệu đặc biệt. Mỗi doanh nghiệp đều thiết kế dấu hiệu, logo… đặc biệt riêng nhằm giúp khách hàng nhận biết được sản phẩm của doanh nghiệp mình.
Có bao nhiêu loại nhãn hiệu?
Nhãn hiệu càng ngày càng đa dạng nên có nhiều cách phân loại nhãn hiệu. Để đăng ký nhãn hiệu, chủ doanh nghiệp cần tìm hiểu loại nhãn hiệu của mình chính xác nhất.
1. Về loại hàng hóa:
- Nhãn hiệu hàng hóa: Dùng để phân biệt hàng hóa của các cá nhân, tổ chức kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hóa để phân biệt hàng hóa thuộc nhà sản xuất nào. Nhãn hiệu mô tả, liên quan hoặc là tên gọi sản phẩm thì không thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
- Nhãn hiệu dịch vụ: Vì dịch vụ là sản phẩm vô hình nên nhãn hiệu dịch vụ thường được gắn trên bảng hiệu dịch vụ, vé, giấy… Người sử dụng có thể phân biệt, nhận biết nhãn hiệu dịch vụ dễ dàng.
2. Theo Điều 4 trích Luật sở hữu trí tuệ
- Nhãn hiệu tập thể: phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức khác. Những thành viên tổ chức đó cũng có thể sử dụng nhãn hiệu của tổ chức đó.
- Nhãn hiệu chứng nhận: Nhãn hiệu mà chủ sở hữu cho phép tổ chức sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức đó. Nhãn hiệu đó dùng để chứng nhận về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
- Nhãn hiệu liên kết: đây là nhãn hiệu cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc giống nhau cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc có liên quan với nhau.
3. Về độ nổi tiếng:
- Nhãn hiệu thông thường: là loại nhãn hiệu chưa được nhiều người biết tới.
- Nhãn hiệu nổi tiếng: So với nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu nổi tiếng được nhiều người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ví dụ là Vinamilk, P/s, Dove,… Đây là điều nhiều chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mong muốn, nhãn hiểu nổi tiếng giúp doanh nghiệp thu hút nhiều khách hàng hơn.
Điều kiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu?
Trước khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chủ doanh nghiệp cần tìm hiểu điều kiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Không phải nhãn hiệu nào cũng có thể được bảo hộ trước pháp luật.
Để được bảo hộ một cách toàn vẹn thì nhãn hiệu cần đáp ứng hai điều kiện sau:
- Nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, hình vẽ, từ ngữ, hình ảnh, kể cả hình ảnh 3D hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc;
- Nhãn hiệu phải đầy đủ khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của cá nhân, tổ chức khác.
Khi nhãn hiệu đáp ứng được 2 điều kiện trên, chủ doanh nghiệp cần tiến hành thủ tục đăng ký nhãn hiệu để được cấp giấy chứng nhận. Sau khi hoàn tất thủ tục, chủ doanh nghiệp sẽ được đảm bảo các quyền lợi liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu.